Hội Chứng COVID Kéo Dài là gì?
Những người bị nhiễm COVID-19 có thể tiếp tục có các triệu chứng và ảnh hưởng lâu dài sau khi nhiễm bệnh được gọi là “Hội chứng COVID kéo dài” hoặc “Hội chứng sau COVID”. Vẫn còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết về hội chứng COVID kéo dài. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm khi nghiên cứu về hội chứng COVID kéo dài.
Các Triệu Chứng của Hội Chứng COVID Kéo Dài
Những người gặp hội chứng COVID kéo dài có thể có nhiều triệu chứng khác nhau kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm sau khi nhiễm bệnh.
Các triệu chứng bao gồm nhưng không giới hạn ở:
- Cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là sau khi cố gắng suy nghĩ hoặc vận động
- Sốt
- Khó thở
- Ho
- Đau ngực
- Thay đổi mùi và/hoặc vị
- Khó suy nghĩ hoặc tập trung hay gặp chứng “sương mù não”
- Đau đầu
- Đau bụng
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
Ai có thể phát triển Hội Chứng COVID Kéo Dài?
Bất kỳ ai bị nhiễm COVID-19 đều có thể phát triển hội chứng COVID kéo dài. Hội chứng này phổ biến hơn ở những người đã trải qua các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng, đặc biệt là những người phải nhập viện. Những người đã trải qua hội chứng viêm đa hệ thống trong hoặc sau khi nhiễm COVID-19 có thể có nhiều nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài. Phụ nữ, người lớn tuổi, những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và những người không tiêm phòng dường như có nhiều khả năng mắc hội chứng COVID kéo dài. Những người bị nhiễm COVID-19 nhiều lần cũng có thể gặp nhiều rủi ro về sức khỏe hơn bao gồm cả hội chứng COVID kéo dài.
Ngăn Ngừa Hội Chứng COVID Kéo Dài
Ngăn ngừa việc nhiễm COVID-19 là cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng COVID kéo dài. Bảo vệ bản thân và những người khác khỏi COVID-19 bằng cách rửa tay, đeo khẩu trang khi ở nơi đông người, ở nhà khi bị bệnh, đồng thời tiêm vắc-xin và các liều tăng cường được khuyến nghị.
Những người đã tiêm phòng vẫn mắc COVID-19 có thể ít bị hội chứng COVID kéo dài hơn những người chưa được tiêm phòng.
Tìm hiểu về việc tiêm phòng COVID-19
Chẩn Đoán Hội Chứng COVID Kéo Dài
Có thể khó chẩn đoán được khi mắc hội chứng COVID kéo dài. Bệnh nhân có thể khó giải thích các triệu chứng. Không có xét nghiệm hoặc nghiên cứu hình ảnh nào được thực hiện trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán. Các xét nghiệm y tế có thể cho kết quả bình thường ngay cả khi bệnh nhân bị hội chứng COVID kéo dài.
Một số người báo cáo các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài không cho thấy các triệu chứng của COVID-19 và đã không được xét nghiệm COVID-19 khi ban đầu họ nhiễm bệnh. Điều này gây khó khăn cho việc xác nhận họ có từng mắc COVID-19 và có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn việc chẩn đoán hội chứng COVID kéo dài. Điều quan trọng là quý vị phải được xét nghiệm COVID-19 khi cảm thấy không khoẻ lần đầu để hỗ trợ cho việc chẩn đoán hội chứng COVID kéo dài sau này.
Lời Khuyên dành cho Bệnh Nhân: Cuộc Hẹn với Nhà Cung Cấp Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe về Các Tình Trạng Sau COVID (bằng Tiếng Anh)
Tình Trạng Sức Khỏe Mới và Có Từ Trước
Việc nhiễm COVID-19 có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan và đôi khi kích hoạt các tình trạng tự miễn dịch có thể là yếu tố trong hội chứng COVID kéo dài. Các tình trạng tự miễn dịch có thể xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể gây viêm hoặc tổn thương mô ở các bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể. Điều này nghĩa là những người từng mắc COVID-19 có thể có nhiều khả năng phát triển các lo ngại mới về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim. Các tình trạng sức khỏe đã có từ trước như bệnh tiểu đường và bệnh tim cũng có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi nhiễm COVID-19.
Hội Chứng COVID Kéo Dài và Quyền của Người Khuyết Tật
Hội chứng COVID kéo dài có thể gây suy giảm thể chất và tinh thần và được coi là một tình trạng khuyết tật theo Americans with Disabilities Act (ADA, Đạo Luật Người Mỹ Khuyết Tật). Những người mắc hội chứng COVID kéo dài được bảo vệ hợp pháp khỏi sự phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Họ có thể được hưởng các điều chỉnh hợp lý từ doanh nghiệp, tiểu bang và chính quyền địa phương để đáp ứng các hạn chế liên quan đến hội chứng COVID kéo dài.
Hướng Dẫn về “Hội Chứng COVID Kéo Dài” như một Tình Trạng Khuyết Tật Theo ADA (bằng Tiếng Anh)
Hội Chứng COVID Kéo Dài và Thai Kỳ
Những người đang mang thai hoặc mang thai gần đây có nhiều khả năng bị bệnh nặng do COVID-19. COVID-19 có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến thai kỳ và thai nhi đang phát triển.
Hiện vẫn chưa rõ COVID có thể ảnh hưởng đến thai kỳ trong bao lâu. National Institutes of Health (NIH, Viện Y Tế Quốc Gia) (bằng tiếng Anh) sẽ thực hiện một nghiên cứu kéo dài 4 năm về ảnh hưởng lâu dài của COVID-19 ở những phụ nữ bị COVID-19 khi đang mang thai và con của họ.
Hội Chứng COVID Kéo Dài và Thanh Thiếu Niên
Thanh thiếu niên cũng có thể bị bệnh từ Hội Chứng COVID Kéo Dài. Thanh thiếu niên trải qua các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài như mệt mỏi và khó tập trung có thể gặp khó khăn khi đi học và tham gia các hoạt động khác. Trẻ nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc truyền đạt triệu chứng của các em.
Trẻ bị hội chứng COVID kéo dài có thể đủ điều kiện để nhận dịch vụ giáo dục đặc biệt, các biện pháp bảo vệ hoặc dịch vụ liên quan theo 2 Luật Liên Bang (bằng Tiếng Anh).
Cho thanh thiếu niên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 là cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng COVID kéo dài ở thanh thiếu niên.
Tìm hiểu thêm về việc tiêm phòng cho thanh thiếu niên.
Thông Tin cho Bác Sĩ
- PHỤC HỒI: Nghiên Cứu COVID để Tăng Cường Khả Năng Phục Hồi (bằng Tiếng Anh): được biên soạn bởi National Institutes of Health (NIH) để hỗ trợ nghiên cứu về Hội Chứng COVID Kéo Dài.
- Các Tình Trạng Sau COVID: Thông Tin cho Các Nhà Cung Cấp Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe (bằng Tiếng Anh): tổng quan cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe được biên soạn bởi Centers for Disease Control and Prevention (CDC, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh).
- Các Tình Trạng Sau COVID: Phòng Khoa Học của CDC (bằng tiếng Anh) tóm tắt khoa học về hội chứng COVID kéo dài và các liên kết đến hội thảo lâm sàng trên web về các tình trạng sau COVID.